Khay phục vụ trong nhà hàng được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của nhân viên phục vụ; là phương pháp nhanh chóng và an toàn nhất để nhân viên bưng bê các món ăn và đồ uống; mang dao, muỗng, nĩa đến phục vụ khách hàng – dọn đồ bẩn trên bàn ăn với số lượng đáng kể các loại ly, tách, chén, dĩa, dao, muỗng, nĩa… đảm bảo tính vệ sinh và mỹ quan chung khi phục vụ.
Tính đến hiện tại, khay phục vụ trong nhà hàng đa dạng về hình dáng, kích cỡ và chất liệu tạo thành – được thiết kế chuyên dụng để có khả năng chịu nhiệt, dễ chùi rửa vệ sinh, nhẹ nhưng chắc chắn, không trơn và có thể xếp chồng cùng lúc nhiều khay với nhau.
Về hình dáng: có khay tròn, khay hình chữ nhật…
Về chất liệu: có khay được làm bằng thép không gỉ, bạc, nhựa, gỗ…
Về kích cỡ: kích thước tiêu chuẩn của khay sử dụng trong nhà hàng thường là 45,7 x 34,3cm (loại dùng nhiều nhất) – khay cỡ nhỏ 11 x 16cm (để đưa hóa đơn cho khách hàng) – khay rượu cỡ lớn 59,8 x 45,7cm (dùng phục vụ tiệc lớn)…
Tùy tính chất công việc để chọn loại khay và kích cỡ khay phù hợp, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho công việc đang thực hiện để mang lại hiệu quả cao.
NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG KHAY CHUẨN
Nhân viên phục vụ cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sử dụng khay sau đây để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc – tiêu chuẩn tác phong – và mang lại hiệu quả công việc cao:
Chọn loại khay và kích cỡ khay phù hợp
Kiểm tra để đảm bảo khay đã sạch và khô – không sứt mẻ, bể
Phủ khăn vải hoặc khăn ăn sạch lên khay trước khi phục vụ để giảm tiếng ồn, giảm sự trượt đổ và trông lịch sự, thẩm mỹ hơn. Lưu ý: khăn phủ cần đảm bảo sạch, không ố vàng hay rách, sờn và được trải đúng mặt…
Đặt khay vào chỗ phẳng, không để sát mép bàn; hoặc bê khay bằng 3 (5) ngón chắc chắn
Sắp các thứ cùng loại đi với nhau, vừa đảm bảo mỹ quan, vừa tránh bị rơi hay trượt đổ, tiết kiệm không gian đặt để các loại khác
Đặt các thứ nặng - lớn - cao vào chính giữa khay; đồ nhẹ - thấp để ngoài; điều này giúp tạo sự cân bằng, hạn chế trượt đổ, bể vỡ, đồng thời giúp nhân viên mang đi dễ hơn.
Nếu có ấm trà hay bình nước nóng, quay vòi hướng vào trong khay; điều này giúp tránh nước nóng gây bỏng trong trường hợp các thứ bị trượt đổ, đồng thời cũng giúp tiết kiệm chỗ trên khay.
Bưng khay đi cần di chuyển nhẹ nhàng, thoải mái; tay còn lại đặt phía sau hoặc buông thả sát người, tránh vung tay quá mạnh; chủ động nhường đường khi gặp khách
Khi thu khay không, dùng một tay cầm chắc vành khay theo phương thẳng đứng và dựa gần mép quần bước đi, đáy khay hướng ra ngoài; không cầm khay không để nghịch.
BƯNG KHAY PHỤC VỤ ĐÚNG CÁCH
Có nhiều cách bưng/ bê khay khác nhau được áp dụng tại mỗi nhà hàng. Thông thường, 2 cách sau đây được coi là thông dụng nhất:
Bưng khay thấp (khi phục vụ chỉ đồ uống hoặc thức ăn trọng lượng nhẹ): Tay dùng để bê khay tạo thành góc vuông với cơ thể người ở khuỷu tay, phần cánh tay có xu hướng áp sát vào phần người, xòe rộng bàn tay, đặt lòng bàn tay vào đúng trọng tâm của đế khay. Tay còn lại gác sau lưng và hỗ trợ lấy, đặt các đĩa thức ăn, ly thức uống.
Bưng khay cao (khi phục vụ đồ ăn và đồ uống số lượng nhiều với trọng lượng lớn): Thường thì những khay thức ăn nặng sẽ được đặt sẵn trên mặt bàn, nhân viên phục vụ sẽ hạ thấp trọng tâm người, phần tay dùng dùng bê khay sẽ sát với khay phục vụ. Từ từ kéo khay ra khỏi bàn, xòe rộng 5 ngón tay, đặt lòng bàn tay vào chính giữa của đế khay, phần khuỷu tay tạo thành góc 45 độ, cánh tay có xu hướng áp vào mạn sườn. Tay còn lại sẽ hỗ trợ cố định khay thức ăn, có thể tỳ khay vào phần vai để đỡ sức nặng. Sau đó, nhẹ nhàng đứng dậy, di chuyển mang thức ăn đến bàn cho thực khách. Khi mang thức ăn đến nơi, nhân viên phục vụ cũng hạ thấp trọng tâm người để đặt khay thức ăn lên bàn cho an toàn. Trong trường hợp sử dụng kỹ thuật bê cao với khay có trọng lượng nhẹ thì nhân viên không cần áp cả lòng bàn tay vào đế khay mà chỉ cần để phần ngón tay đỡ lấy khay là được.
LẤY ĐỒ RA KHỎI KHAY
Đặt khay vào chỗ an toàn, bằng phẳng
Cẩn thận lấy đồ ra khỏi khay, lưu ý tính cân bằng trên khay
Phân loại và xếp/ đặt các thứ cùng loại vào một chỗ tại điểm rửa để hạn chế sự đổ vỡ (cốc theo cốc, đặt dĩa vào một chỗ…); đồng thời tiết kiệm thời gian cho công đoạn làm sạch.
Nếu lấy đồ ăn, thức uống ra khỏi khay để phục vụ khách. Trường hợp bưng khay thấp, cần khéo léo dùng tay còn lại từ từ lấy từng món ra và phục vụ đúng vị trí khách yêu cầu, lưu ý tính cân bằng của khay – Trường hợp bưng khay cao, đặt khay ở vị trí thích hợp (có thể là bàn trống bên cạnh hoặc đối diện) rồi mang từng món đến vị trí khách tương ứng.
Để trở thành nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần giỏi kiến thức chuyên môn, mạnh ngoại ngữ, giao tiếp tốt mà còn phải trang bị cả những kỹ năng nghiệp vụ tưởng chừng đơn giản nhất như kỹ thuật bưng khay phục vụ. Hy vọng bài chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với những bạn nhân viên mới vào nghề hay cả ứng viên đang tìm việc phục vụ, giúp tích lũy và hoàn thiện kiến thức hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho công việc trong tương lai.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.